Uber vừa bị khai tử, một thời gian sau Go – Viet ra đời và mới đây là hãng Be cũng bắt đầu gia nhập vào mạng lưới ứng dụng gọi xe từ ngày 17/12/2018.
Mục lục bài viết
1. “Be đến nơi, về đến chốn” với hãng gọi xe công nghệ Be
Ngày 13/12/2018, Công ty Cổ phần Be Group tổ chức lễ ra mắt ứng dụng gọi xe Be, khởi nghiệp trong lĩnh vực Vận tải công nghệ với sự điều hành của Tổng giám đốc Trần Thanh Hải – đồng sáng lập VNG trước đây. Ông cho biết: “Be là ứng dụng được ra đời từ đội ngũ kĩ sư Việt Nam có chuyên môn rất cao, đã từng làm việc trong các tập đoàn lớn trên thế giới”.
Ứng dụng gọi xe Be hiện được triển khai dưới 2 hình thức là beBike (xe máy) và beCar (xe ô tô 4 chỗ, 7 chỗ) với sự đầu tư và hợp tác từ VP Bank và Công ty Bảo hiểm Opes trong quá trình vận hành, triển khai các gói tín dụng cá nhân để hỗ trợ tài xế.
Ứng dụng gọi xe Be với màu vàng sọc xanh chủ đạo
Hiện tại, Be mới có mặt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhưng hãng đã đặt ra mục tiêu rằng sẽ thu hút 10 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ trong 3 năm. Ngoài ra, trong năm 2019, ứng dụng Be sẽ xuất hiện tại 15 tỉnh thành và đến năm 2020 phủ sóng khắp cả nước.
Vậy ý nghĩa của cái tên “Be” là gì? Theo như hãng chia sẻ, “Be” là viết tắt của từ “tobe”, nghĩa là “tồn tại”. Hơn nữa, cách đọc của từ này rất giống với “bee – con ong” nên hãng cũng đã lấy cảm hứng luôn từ đó để thiết kế màu sắc chủ đạo là vàng sọc xanh đậm.
2. Be: “Chúng tôi không cạnh tranh bằng giá rẻ”
Đó là lời nói mà ông Trần Thanh Hải đã khẳng định tại buổi lễ ra mắt ứng dụng gọi xe Be cũng như chính là tôn chỉ hoạt động của hãng. Be hoạt động cạnh tranh với các hãng khác trên thị trường không phải bằng mức giá rẻ hơn (chi phí 1 chuyến đi của Be cao hơn của Grab), mà sẽ đem đến chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng qua việc hỗ trợ tối đa cho các đối tác tài xế của mình qua các chính sách như an sinh, đóng bảo hiểm. Hãng coi tài xế chính là những đại sứ thương hiệu, tài xế được thực hiện các bài test về chuyên môn và thái độ phục vụ khách hàng để có thể làm việc trong tâm thái tốt nhất.
Bảng so sánh mức giá giữa Be và Grab
Để đạt được mục tiêu đặt ra, Be có khá nhiều thách thức và cạnh tranh gay gắt từ những thương hiệu đã ra đời từ trước đó như Grab, Go – Viet, họ đã có một lượng lớn người sử dụng cố định trong một thời gian dài cũng như mạnh hơn về mật độ phủ sóng. Tuy nhiên, với phương châm hoạt động mới mẻ, táo bạo. Được đầu tư nguồn vốn cả nghìn tỷ, tương lai phía trước của Be cũng khá để chúng ta háo hức chờ đợi để kiểm chứng.
3. Những chiến lược phát triển của ứng dụng gọi xe Be
Hiện nay, hãng Be đã và đang ra mắt những dịch vụ như sau:
Ứng dụng gọi xe công nghệ beBike và beCar (trên xe 4 chỗ và xe 7 chỗ).
Be trang bị loại mũ bảo hiểm chất lượng cho tài xế và khách hàng
Phần mềm beFleet giúp nhà xe quản lí số lượng xe của mình đang hoạt động hay đang nghỉ, quản lí tài xế.
Tính năng beCorporate giúp các doanh nghiệp hợp tác với Be Group có thể chỉnh sửa các điều khoản đi xe cho nhân viên mình.
Mục tiêu của Be Group trong tương lai chính là trở thành một trong những ứng dụng hàng đầu được sử dụng nhiều nhất của người Việt trên mọi tỉnh thành cả nước. Hy vọng rằng hãng sẽ mang đến những dịch vụ có chất lượng tuyệt vời để phục vụ cho người sử dụng.